Theo quy định của Bộ GDĐT, tháng 9.2014, tất cả các trường ĐH, CĐ phải hoàn thiện đề án tuyển sinh riêng, gửi về bộ. Khi chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến hạn cuối nộp đề án, nhưng có trường vẫn chưa có phương án tuyển sinh riêng mà vẫn chờ vào những thay đổi từ phía bộ về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung.
![]() Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ sẽ hoàn thiện trong tháng 9.2014. Ảnh: Hải Nguyễn Xu hướng chung: Xét tuyển Ông Bùi Xuân Nhàn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại - cho biết, hiện trường chưa có phương án cụ thể về tuyển sinh (TS) riêng. ĐH Công nghiệp thì trước mắt vẫn áp dụng phương án "3 chung" cho đến khi Bộ GDĐT thay đổi cách TS. Lãnh đạo các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Hà Nội... cũng cho rằng, cho đến khi nào kết thúc thi "3 chung", các trường này sẽ dựa vào kết quả của kỳ thi chung để tuyển lựa đầu vào. Khối các trường CĐ thể hiện rõ nét hơn trong việc hoàn thiện đề án TS riêng, rất mặn mà với xu hướng xét tuyển. Theo đại diện Trường CĐ Sư phạm T.Ư, đề án gần hoàn thiện và theo hướng xét tuyển đầu vào cho tất cả các ngành. CĐ Công nghệ dệt may thời trang năm nay tổ chức thi tuyển đầu vào, thay vì xét tuyển hồ sơ theo học bạ như mọi năm, song với sự thay đổi của Bộ GDĐT, đại diện trường này cho hay, năm sau lại quay lại hình thức cũ là xét tuyển. "Nếu có kỳ thi chung thì sẽ dựa vào kết quả của kỳ thi này, còn chưa có kỳ thi chung thì năm 2015 chúng tôi vẫn sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT kèm kết quả thi tốt nghiệp" - bà Thu Hường - Trưởng phòng đào tạo của trường - cho hay. Nhiều băn khoăn Về phương án TS riêng, điều mà nhiều trường ĐH, CĐ băn khoăn nhất chính là việc ra đề thi. Đây là áp lực không nhỏ cho các trường trong việc tìm phương án tuyển lựa đầu vào, bởi lâu nay việc ra đề thi dựa hoàn toàn vào đầu mối Bộ GDĐT. Trước băn khoăn này, một số trường đã tính đến việc liên kết các nhóm trường với nhau để cùng tổ chức thuê hội đồng ra đề thi. Ông Đặng Lộc Thọ - Phó Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm T.Ư - khẳng định, đây sẽ là xu hướng của không ít trường và Bộ GDĐT sẽ phải cho ra lò các ngân hàng đề thi, để các nhóm trường liên kết sử dụng cho việc TS riêng. Còn việc dựa vào kết quả kỳ thi chung, PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - bày tỏ, đây sẽ phải là một kỳ thi đảm bảo được chất lượng để làm cơ sở cho các trường tuyển chọn. Về điều này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: Sẽ không có bất cứ chồng chéo nào giữa việc triển khai đề án TS riêng và kỳ thi quốc gia chung. Theo ông Ga, kỳ thi quốc gia sắp tới nếu diễn ra thì một mặt để xét tốt nghiệp phổ thông, mặt khác cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở TS. Các trường dựa vào kỳ thi này để hoặc sử dụng kết quả để xét tuyển hoàn toàn, hoặc bổ sung thêm các bài thi riêng để kiểm tra năng lực tùy nhu cầu, như phỏng vấn, các bài trắc nghiệm IQ... Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải gửi về bộ đề án TS riêng của trường và đây là điều bắt buộc theo lộ trình của đổi mới giáo dục. 62 trường vừa qua đã thực hiện tốt việc TS riêng và đã có đề án xây dựng khá phù hợp, thể hiện quyền tự chủ TS của mình qua kỳ thi vừa rồi. Xem xét tổ chức kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015 Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp bàn với Bộ GDĐT liên quan đến lộ trình kỳ thi quốc gia chung. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT xem xét phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ theo hướng chỉ còn một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015. Kết quả kỳ thi này vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa để các trường ĐH, CĐ làm căn cứ tuyển sinh đầu vào. Nếu trường nào có yêu cầu cao hơn thì căn cứ vào kết quả đó để sơ tuyển trước khi tổ chức thi riêng. Trước đề xuất của Bộ GDĐT về việc thi 8 môn trong 4 ngày (mỗi thí sinh bắt buộc thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GDĐT nên nghiên cứu theo hướng không phân chia theo môn mà theo bài thi, theo đó có thể tổ chức thi thành 4 buổi với 4 bài thi. D.H |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét