Việc tồn tại quá nhiều giấy phép con trên thực tế đã gây ra nhiều phiền hà, rắc rối cho doanh nghiệp (DN)…
Quá nhiều! Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn khoảng 400 giấy phép con các loại, liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp. Trong số này có khoảng 121 loại giấy phép kinh doanh; 84 loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 34 chứng chỉ hành nghề; 12 loại xác nhận vốn pháp định; 133 loại chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và 17 các yêu cầu khác. Thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có khoảng 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng số lượng điều kiện kinh doanh thì lớn hơn rất nhiều bởi mỗi ngành nghề lại có thể có từ 10 đến 20 điều kiện. Với khoảng 400 nghề đó, điều kiện kinh doanh có thể lên tới hàng nghìn, trong đó có không ít mang tính áp đặt chủ quan, không có căn cứ khoa học nào. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lấy ví dụ về ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bao gồm các nhóm điều kiện về DN, về phương tiện, về lái xe, về người quản lý, về tuyến, thậm chí có những điều kiện rất oái ăm, như yêu cầu mỗi xe chỉ được đăng ký chạy 2 tuyến, nếu chạy tuyến thứ 3 là vi phạm. Quy định này dẫn đến tình trạng khi một xe hỏng, DN không thể lấy xe chạy ở tuyến khác vào thay thế. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật DN mở ra trong khi các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn thì bó lại. “Với quá nhiều quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở các cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật DN đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần”, ông nói. Cho dù sau đó nhiều loại giấy phép con khác tiếp tục được bãi bỏ, đề án 30 đã triển khai việc rà soát cắt giảm 30% thủ tục hành chính hiện có, nhưng khi Luật DN 2005 được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp lần này, một lần nữa đại biểu Quốc hội phải thốt lên: “Đang có quá nhiều giấy phép con, cháu, chắt”. Phát sinh từ bộ, ngành Rõ ràng câu chuyện “giấy phép con, cháu, chắt” sẽ không có hồi kết, nếu Luật DN mới không được sửa từ gốc. Rất nhiều giải pháp đã được quy định trong dự thảo luật và được các đại biểu đề xuất theo tinh thần người dân được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm hoặc không hạn chế (có điều kiện). Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều giấy phép con lại thường phát sinh từ các bộ, ngành. Có những ngành, điều kiện kinh doanh chung thì nằm ở luật, nghị định, nhưng điều kiện “con, cháu, chắt” thì nằm ở thông tư, quyết định, thậm chí công văn của các Bộ. Sự thiếu rõ ràng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN. Theo Ban pháp chế của VCCI, có nhiều loại giấy phép con ẩn dưới dạng yêu cầu doanh nghiệp phải có “xác nhận” hoặc “ý kiến” của bộ ngành đó. Ví dụ như muốn nhập khẩu thiết bị A thì phải “có xác nhận của bộ B” mới được thông quan. Do vậy việc sửa đổi Luật DN lần này cần xác định rõ cấp nào được quyền ban hành các điều kiện kinh doanh. Đó phải là cấp Chính phủ hoặc cao hơn là Quốc hội, không thể để cho những cấp lâu nay thường phát sinh giấy phép con hành DN. Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tiếp tục rà soát và cương quyết ngay trong năm 2014 giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, giải thể doanh nghiệp. TS. Nguyễn Đình Cung nhắc lại hiệu quả to lớn của “cuộc cách mạng” cắt bỏ hàng loạt “giấy phép con” cùng với sự ra đời của Luật DN năm 1999. “Ở nơi cấp giấy phép con, hôm nay người người vẫn ùn ùn đi xin phép, thì sau khi Thủ tướng ký các văn bản bãi bỏ giấy phép con, chỗ đó không còn một bóng người. Ngược lại, cơ quan đăng ký kinh doanh trước đây heo hút, thì nay đầy ắp người, tức là lượng DN thành lập mới tăng rất mạnh”, ông Cung nhớ lại. Nguyễn Việt |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét