Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

[Xã hội] -“Sống để dạ, chết mang đi”

QĐND - Ngày 9-10-2013, trong đoàn người vào số nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một cựu chiến binh (CCB) tuổi ngoài 70, mặc lễ phục với quân hàm Đại tá, trên tay cầm chiếc phong bì tiến gần lại bà Đặng Bích Hà (phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Khi ông gần tới nơi thì một đồng chí công an hỏi: “Bác đi đâu đấy ạ?”. Người CCB giọng khe khẽ: “Tôi nguyên là cán bộ của Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu, vinh dự từng được công tác bên Đại tướng. Vĩnh biệt Đại tướng, tôi ghi lại một số câu chuyện đầy tình người mà sinh thời Đại tướng đã dành cho chúng tôi”. Tiếp đó, người CCB già chuyển tận tay chiếc phong bì đến phu nhân của Đại tướng.


CCB, Đại tá Lê Xuân Uông tại nhà riêng.

Đó là câu chuyện về CCB, Đại tá Lê Xuân Uông, nguyên Trưởng phòng Mã dịch, Cục Cơ yếu (Bộ Tổng tham mưu). Ông Uông xúc động chia sẻ: “Đời quân ngũ của tôi rất may mắn được làm việc bên hai đại tướng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng. Tuy thời gian công tác không dài nhưng phong cách, đạo đức, sự quan tâm đến cấp dưới của hai vị tướng đã ngấm vào máu thịt của tôi từ đó đến giờ”.

Năm 1965, mặc dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì là con một, nhưng chàng thanh niên Lê Xuân Uông, 24 tuổi, vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được điều về Cục Cơ yếu (Bộ Tổng tham mưu). Đầu năm 1968, trong đợt kiểm tra những đồng chí viết chữ đẹp ở Cục Cơ yếu để phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung sĩ Lê Xuân Uông là người “trúng tuyển”. Khi nhận nhiệm vụ, Đại tướng dặn: “Ở cơ quan chắc đồng chí đã nắm rõ quy định rồi, nhưng tôi nhắc lại cho đồng chí. Đi với tôi nghe được gì, thấy được gì thì hãy ghi nhớ: Sống để dạ, chết mang đi”.

Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, cuộc chiến ác liệt chống đế quốc Mỹ đang diễn ra. Giai đoạn này, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng… thường xuyên họp bàn những kế hoạch quan trọng. Để giữ bí mật nên địa điểm họp thường là ở Hải Phòng, Quảng Ninh... Có đợt, tuần nào ông cũng cùng Đại tướng xuống Hải Phòng, Quảng Ninh một lần (khoảng 3-4 ngày). Trong những chuyến công tác ấy, Đại tướng thường hỏi anh em trong đoàn phục vụ: “Các đồng chí ăn có ngon không, ăn được mấy bát? Tối hôm qua ở nhà khách có ai bị mất ngủ không? Đồng chí Uông bị cảm đã uống thuốc gì rồi?”. Có lần Đại tướng nhắc đồng chí Nguyễn Văn Sang, Trưởng đoàn Hành chính: “Anh Sang này, đi công tác xa trong đoàn có ai ốm đau hay thất xá gì thì anh phải chịu trách nhiệm đấy!”.

Giữa năm 1972, để chuẩn bị bài nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS thành phố Hải Phòng, sau khi được hướng dẫn nội dung, Đại tướng yêu cầu đồng chí Uông viết bài phát biểu khoảng 3 trang giấy và phải viết cách dòng thật rõ ràng. Tối hôm đó, sau chuyến công tác ở Hải Phòng về nhà riêng, Đại tướng nói với phu nhân: “Cô Hà xem trong nhà còn kẹo không, thưởng cho cháu Uông mấy cái vì hôm nay cậu ấy chuẩn bị bài phát biểu ý tứ hay, lại trình bày rất đẹp”. Được Đại tướng thưởng kẹo là niềm vinh dự, đồng thời cho thấy sự quan tâm đặc biệt của vị Tổng Tư lệnh. “Cầm kẹo trên tay, nhìn về phía Đại tướng thấy nụ cười hiền từ làm tôi xúc động vô cùng và như muốn giữ mãi bên mình những chiếc kẹo ấy”- ông Uông kể lại.

Tuy chỉ được làm việc bên Đại tướng từ năm 1968 đến năm 1972, trong đó gần một năm đi học, nhưng đó là kỷ niệm đẹp nhất trong đời quân ngũ của CCB Lê Xuân Uông vì sự gần gũi, phương pháp, tác phong làm việc đặc biệt của Đại tướng. Những việc “chính sự” mà Đại tướng bàn thảo, quyết sách đều được ông Uông “để trong dạ”, chưa bao giờ ông hé nửa lời, kể cả vợ con sau này.

Năm 1974, khi chúng ta đang chuẩn bị mọi mặt và bắt đầu mở những cuộc tiến công giải phóng miền Nam, lúc này, Lê Xuân Uông nằm trong tổ công tác phục vụ Đại tướng Văn Tiến Dũng. Cũng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn thân mật, gần gũi khiến cấp dưới phải nể phục và như có điểm tựa vững chắc để họ vượt qua bom đạn, xông lên tiêu diệt quân thù.

Đại tá Lê Xuân Uông nói rằng: Hai vị đại tướng, một đồng chí là Tổng Tư lệnh, một đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng, nhưng với bộ đội gần gũi như một tiểu đội trưởng với chiến sĩ hay người đội trưởng sản xuất với công nhân. Hai vị tướng quan tâm, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe của hạ sĩ quan, chiến sĩ... Đã có nhiều người muốn tìm hiểu về các trận đánh, các quyết định quan trọng mà ông Uông là nhân chứng lịch sử khi trực tiếp phục vụ hai đại tướng, nhưng ông Uông vẫn nói rằng: “Về cái đó thì tôi không kể được cho dù nó không còn là bí mật, vì tôi luôn khắc ghi lời anh Văn: “Sống để dạ, chết mang đi”.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA


0 nhận xét:

Đăng nhận xét